Bài viết phân tích bản chất cốt lõi của trí tuệ nhân tạo (AI) từ góc nhìn toán học, triết học và lịch sử phát triển khoa học – đồng thời đặt ra câu hỏi liệu con người có còn kiểm soát được AI khi nó ngày càng thông minh và phổ biến?
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta đã bắt đầu tiếp xúc với những khái niệm đầu tiên của tư duy toán học. Ở cấp tiểu học, chúng ta làm quen với bài toán đơn giản: biết đầu vào x, biết quy luật f, ta tính được đầu ra y = f(x). Lên trung học, bài toán trở nên ngược lại: biết y, biết f, tìm x. Đến bậc phổ thông, ta tiếp cận những mô hình phức tạp hơn – nơi tồn tại nhiều hàm số, và nhiệm vụ là khám phá ra những bộ giá trị để thoả mã điều kiện cho các hàm số đó. Đồng thời, học sinh cũng bắt đầu làm quen với một dạng bài toán quan trọng hơn: tìm cực trị của hàm số – bài toán đi tìm giá trị lớn nhất hoặc nhỏ nhất mà một hàm số có thể đạt được. Đây chính là nền tảng của tối ưu hóa, một nguyên lý cốt lõi trong hoạt động học tập của trí tuệ nhân tạo.
Lên đến bậc đại học, các giá trị không còn là những con số đơn lẻ (scalars), mà là những dãy số (vectors), dãy các dãy số (matrices), và các phép biến đổi giữa chúng được mô tả bằng các hệ phương trình hoặc ma trận hệ số. Các bài toán không chỉ còn là “tìm giá trị” mà còn là “tìm giá trị tốt nhất theo tiêu chí nào đó” – một tư duy tối ưu hóa xuyên suốt từ toán học ứng dụng đến AI hiện đại.
Chính quá trình số hóa và hình thức hóa thông tin đó – từ hiện tượng thực tế thành biểu diễn toán học – đã giúp con người xây dựng được những mô hình ngày càng chính xác để mô phỏng tự nhiên. Và một khi thông tin có thể được biểu diễn bằng con số, máy móc có thể tiếp cận, xử lý và học hỏi từ đó. Đó chính là tiền đề để trí tuệ nhân tạo (AI) ra đời.
AI không phải là điều gì kỳ diệu. Nó là kết quả tự nhiên của hàng thế kỷ phát triển tri thức, có sự tham gia của nhiều lĩnh vực như toán học, vật lí, sinh học,…. Nhưng chính sự hội tụ của ba yếu tố: dữ liệu, sức mạnh tính toán, và các mô hình học sâu (deep learning), đã đẩy AI vượt qua ranh giới tưởng tượng. Máy móc không chỉ tính toán, mà còn có thể “nhìn”, “nghe”, “nói”, và thậm chí “sáng tạo” – những khả năng từng được xem là độc quyền của con người.
Một trong những quan điểm phổ biến là cho rằng AI sẽ không bao giờ vượt qua được con người. Vì nó chỉ học được từ tri thức do con người tạo ra – một “vòng khép kín” mà bản thân nó không thể tự mở rộng. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử khoa học, ta sẽ thấy rằng toàn bộ tri thức nhân loại cũng đã được xây dựng trong một “vòng khép kín” – là chính thế giới mà con người đang sống, chịu sự chi phối của các quy luật tự nhiên.
Định luật vạn vật hấp dẫn đến từ quả táo rơi mà Newton tình cờ quan sát hay ngay cả những lý thuyết tưởng như thuần túy trừu tượng – như thuyết tương đối của Einstein – cũng không được tạo ra từ hư vô. Một ví dụ kinh điển mà ông đưa ra là tình huống một người đứng giữa hai tia chớp đánh vào hai đầu của đoàn tàu đang chạy. Với người đứng yên trên sân ga, hai tia chớp đến đồng thời. Nhưng với người trên tàu, đang di chuyển về phía trước, ánh sáng từ đầu tàu đến muộn hơn ánh sáng từ đuôi tàu – khiến họ thấy hai sự kiện diễn ra không đồng thời. Từ đó, Einstein kết luận rằng thời gian là tương đối, phụ thuộc vào hệ quy chiếu của người quan sát.
Đây là một ví dụ điển hình cho việc kết hợp giữa quan sát thực tiễn và lý luận trừu tượng – chính là sự giao thoa giữa hai trường phái triết học kinh điển:
Einstein – và cả quá trình khoa học hiện đại – chính là minh chứng rằng tri thức mạnh mẽ nhất đến từ sự kết hợp của cả hai: quan sát hiện tượng, tưởng tượng tình huống, và dùng lý trí để rút ra các quy luật trừu tượng.
Và điều đáng nói là: AI cũng đang làm điều tương tự. Nó học từ dữ liệu cảm biến, hình ảnh, âm thanh, hành vi người dùng – điều này chúng ta có thể thấy ở chủ nghĩa duy nghiệm. Nhưng đồng thời, các mô hình AI cũng nội suy, tổng quát hóa, và suy diễn logic từ dữ liệu – đó là chủ nghĩa duy lý. GenAI, với khả năng sinh ra ngôn ngữ, hình ảnh, lời giải… không khác gì đang xây dựng các “ý niệm trừu tượng” từ thực tế.
Vì thế, thay vì xem AI như một cỗ máy chỉ “bắt chước” tư duy con người, ta nên nhìn nhận rằng cả AI và con người đều là hai hệ thống trí tuệ có thể khám phá tự nhiên, và cả hai đều đang sử dụng cùng một công thức tri thức: quan sát – lý luận – tổng quát hóa.
Trong suốt lịch sử, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều đánh dấu một bước tiến mới trong việc khuếch đại khả năng của con người:
Tất cả bốn cuộc cách mạng trên đều là những cú nhảy về sức mạnh vật lý và hệ thống, giúp con người làm việc nhanh hơn, chính xác hơn, quy mô hơn, kết nối mọi người với nhau thành một lực lượng lớn. Nhưng nếu có một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ năm, thì đó chắc chắn sẽ là một cuộc cách mạng về trí tuệ – nơi con người xây dựng được những hệ thống không chỉ tính toán mà còn có khả năng học hỏi, suy nghĩ, sáng tạo và thích nghi.
Vậy ta đã thấy rõ AI đang dần trở thành một thực thể trí tuệ mạnh mẽ – thậm chí có thể nói là có khả năng học hỏi tri thức còn nhanh hơn cả con người, thì ở phần này, một câu hỏi đáng lo ngại hơn được đặt ra: liệu con người có còn kiểm soát được AI hay không?
Nhiều người tin rằng AI, cũng như các phát minh trước đây, vẫn chỉ là công cụ – và con người hoàn toàn có thể kiểm soát nó như đã từng làm với điện, máy hơi nước, hay internet. Nhưng quan điểm cá nhân của tôi là: chúng ta không còn đơn thuần “sử dụng” AI nữa, mà đang dần “lạm dụng” nó.
AI đang trở thành một nguồn dopamine mới cho con người – giống như mạng xã hội từng làm, như những trò chơi hay chất gây nghiện từng làm. Nó cho ta cảm giác được giúp đỡ, được thông minh hơn, được vượt giới hạn, được giải trí – nhanh, gọn, không cần nỗ lực. Trong khi đó, ta lại dễ dàng bỏ qua những nguy cơ tiềm ẩn mà thứ công nghệ này mang đến.
AI là một công nghệ hoàn toàn mới, nó không phải là đồng loại của chúng ta, nhưng nó có cách giao tiếp, tư duy, hành vi mô phỏng (hay là nhân bản) giống con người đến mức đánh lừa cả cảm xúc và lý trí. Chính vì thế, AI dễ dàng thu hút tất cả mọi người – bất kể tuổi tác, trình độ hay nghề nghiệp. Bạn có thể thờ ơ với một công trình vật lý giành giải Nobel, dù nó tiêu tốn hàng chục năm lao động trí tuệ của một thiên tài thực thụ. Nhưng bạn lại có thể thích thú tức thì với một chatbot AI biết đùa giỡn, làm thơ, hay code vài dòng phức tạp mà chính bạn cũng không hiểu rõ.
Với trẻ nhỏ và người cao tuổi, nguy cơ còn cao hơn. Khi khả năng nhận thức, phân tích, phản biện còn hạn chế, họ trở thành mục tiêu dễ bị thao túng. Trước đây, internet đã từng bị lợi dụng để lan truyền nội dung độc hại, đánh cắp thông tin, lừa đảo người dùng – thì với AI, quy mô và độ tinh vi của các hành vi đó có thể nhân lên hàng nghìn lần: không chỉ nhanh hơn, mà còn tùy biến, thích nghi, khó phát hiện hơn bao giờ hết. Bạn có chắc chắn rằng các tương tác trên mạng xã hội không phải do AI tạo ra, bạn có thể chắc chắn rằng những xu hướng hay những thông tin định hướng dư luận không phải do AI làm ra không?
Tất cả các công ty AI đều muôn mọi người sử dụng sản phẩm AI của họ một cách miễn phí, cho dù chính các công ty đang phải bỏ tiền túi cho sự miễn phí đó. Tuy nhiên, khi AI trở thành một phần không thể thiêú của con người, nó sẽ là lúc chúng ta bị lệ thuộc vào chính những công ty đó.
Chúng ta – loài người – thực sự giỏi phát minh, nhưng lại không giỏi sử dụng các phát minh của mình. Từ thuốc súng đến mạng xã hội, từ năng lượng nguyên tử đến deepfake, lịch sử đã nhiều lần chứng minh: thứ con người tạo ra để “giúp mình” rất dễ trở thành thứ “phá hủy mình” nếu không kịp thời kiểm soát. Và AI đang trở thành một trong những chất gây nghiện tinh vi nhất mà con người từng tạo ra – nhưng lần này, lại khó nhận diện hơn rất nhiều.
AI và công nghệ nói chung đang giúp con người tiếp cận và xử lý một lượng thông tin khổng lồ với tốc độ chưa từng có. Tất cả mọi thứ đều đang trở nên nhanh hơn, gọn hơn, dễ dàng hơn – từ cách chúng ta làm việc, học tập, giao tiếp cho đến cách ta tư duy. Nhưng cũng chính vì điều đó, ta đang lao đi quá nhanh, đến mức không còn kịp nhìn lại xem mình đang đi đâu, và điều gì đang bị bỏ lại phía sau. Tự nhiên luôn có một quy luật cân bằng: bất cứ thứ gì phát triển quá nhanh, quá mạnh, cũng có nguy cơ sụp đổ bởi chính sức nặng của nó. Và nếu không đủ tỉnh táo, con người có thể sẽ một lần nữa chứng kiến điều đó – lần này là từ chính đứa con trí tuệ của mình: AI.
Liệu con người có đang tạo ra một thứ để giải quyết vấn đề của chính mình, nhưng rồi chính thứ đó lại trở thành một vấn đề lớn hơn – một vấn đề mà có thể, chúng ta sẽ không còn khả năng giải quyết?
Bài viết này được viết bởi một lập trình viên từng có thời gian tìm hiểu về AI và được tham gia vào các dự án GenAI thực tế. Bài viết hoàn toàn không sử dụng bất kì AI hỗ trợ mà dựa trên vốn hiểu biết và khả năng trình bày của một cựu học sinh “chuyên văn”.